Trang chủ Những cân nhắc trước khi đi học MBA
Bài viết
Hủy

Những cân nhắc trước khi đi học MBA

Preview Image

Tuần trước, ZYLO (Zalo Young Leaders Organization) tổ chức một buổi chia sẻ về Xây dựng Thương hiệu Cá nhân, dựa trên cuốn sách Me 2.0 của Dan Schawbel. Một ý rất hay được đề cập: Đầu tư vào các mối quan hệ, tăng cường tương tác trên mạng xã hội, và viết blog thường xuyên, ngay cả khi bạn KHÔNG cần tìm việc. Mình ngẫm lại thấy điều này rất hợp lý.

Thỉnh thoảng, mình nhận thấy một số người quen lâu không xuất hiện. Bỗng nhiên, họ cập nhật hồ sơ LinkedIn, đăng bài thường xuyên, bình luận khắp nơi, tham gia diễn thuyết tại hội thảo, và viết blog nhiều hơn. Sau một thời gian ngắn, họ nghỉ việc (pattern khá rõ ràng). Tuy nhiên, nhiều khi tới lúc thật sự mình cần mới hành động thì đã quá muộn.

Việc thể hiện quan điểm không chỉ để tìm việc, nó còn giúp người khác thấy rõ thương hiệu cá nhân bạn đang xây dựng là gì. Tất nhiên, vẫn phải đi kèm với tính chân thực, nếu không sẽ rất mệt khi phải “gồng”. Thôi thì mình cũng cố gắng đặt mục tiêu “phủi bụi” blog, viết nhiều hơn, không thì một ngày đẹp trời hứng lên đăng bài, người ta lại bảo: “À, thằng này sắp nghỉ!” (Disclaimer: Em còn yêu công ty lắm, chưa có ý định gì đâu nhé 😁).

Cũng nhân tiện gần đây có vài bạn trong team hỏi mình tư vấn giúp về việc học MBA. Trước đây thì mình đã viết bài về lý do vì sao mình quyết định học MBA rồi link này, nhưng bài này hoàn toàn là các suy nghĩ cá nhân cũng như context của mình để ra quyết định cũng sẽ có đặc thù riêng. Bài này sẽ khác, mình sẽ chia sẻ:

  • Những câu hỏi, vấn đề, những điều cần biết và chuẩn bị trước khi cân nhắc đi học MBA, để bạn có thêm thông tin suy nghĩ.
  • Góc nhìn thực tế của mình sau khi hoàn thành chương trình MBA 2 năm, so sánh với kỳ vọng ban đầu.

TẠI SAO TÔI MUỐN ĐI HỌC MBA, MBA SẼ GIÚP TÔI ĐƯỢC GÌ ?

Câu hỏi quan trọng nhất là: Tại sao bạn muốn học MBA? Bạn cần xác định rõ định hướng tương lai, mình thiếu gì, cần bổ sung gì, mong muốn gì. Và cuối cùng, MBA có mang lại điều bạn cần trong bức tranh bạn đang hướng tới không?

Mình hỏi vài người quen. Đa số trả lời chung chung, như: “Mình thấy thiếu kiến thức, muốn bổ sung.” Nhưng họ không rõ MBA giúp gì cụ thể. Một số người làm thuần tech muốn học thêm về kinh doanh, tài chính, và tiếp cận các case study thực tế. Có người định hướng rõ ràng hơn, như: “Mình muốn làm theo hướng consultant, nên MBA là mảnh ghép còn thiếu về bằng cấp, network, và kiến thức.”

Trong lớp MBA của mình, lý do của mọi người rất đa dạng. Một anh lớn nhất lớp gần nghỉ hưu rồi vẫn đi học vì muốn làm gương cho con cái (đã có mọi thứ về sự nghiệp, con cái lớn, tài chính vững, …). Một anh học vì công ty yêu cầu bằng cấp thạc sỹ là đk bắt buộc (chứng chỉ được bộ GD công nhận). Có bạn thì muốn kết hợp vừa đi học vừa du lịch (dành full time để vừa làm thesis ở nc ngoài, vừa đi du lịch). Có người đc cty tài trợ cho đi học free thì đi học thôi. Thậm chí, có chị đã có một bằng MBA vẫn học thêm cái nữa vì thấy cần thiết. Quan trọng là bạn phải biết mình cần gì, và MBA mang lại gì.

Tiếp theo là từ BIG WHY đó, mình mới có thể quyết định được chương trình MBA nào là phù hợp với bản thân. Thậm chí có thể quyết định là không cần MBA mà chỉ cần các khóa học nhỏ, hoặc các project trong công việc là đủ để đáp ứng nhu cầu. Học trong nước hay học nước ngoài? Liên kết hay không liên kết ? Liên kết với nước nào ? Học tiếng anh hay tiếng Việt? Fulltime hay parttime? Onine hay offline? Bằng cấp có cần chứng nhận của bộ giáo dục hay không? Chương trình học cho qua môn lấy bằng hay chú trọng chất lượng?

Với mình, mình muốn học dài hạn, nghiêm túc, nên chọn MBA thay vì khóa ngắn. Mình vẫn đi làm, nên học bán thời gian vào tối và cuối tuần. Mình chọn chương trình liên kết nước ngoài, học offline 100% bằng tiếng Anh, để tiếp cận tài liệu và case study quốc tế. Mình hướng tới vai trò Intrapreneur, không phải Entrepreneur (xem chi tiết ở bài blog này). Sau khi liệt kê nhu cầu, mình rút gọn danh sách chương trình phù hợp để chọn.

NHỮNG ĐIỀU CẦN CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI HỌC MBA

Gia Đình

Sự ủng hộ từ gia đình, đặc biệt là vợ/chồng, cực kỳ quan trọng. Học bán thời gian nghĩa là tối và cuối tuần bận rộn. Các chương trình liên kết nước ngoài thường học liên tục cả tuần khi giảng viên bay sang. Thời gian cho con cái, gia đình sẽ giảm đáng kể. Nếu không được hỗ trợ, rất khó để tập trung học.

Lời khuyên: Học càng sớm càng tốt, sau khi có vài năm kinh nghiệm làm việc (thường MBA yêu cầu tối thiểu 3-4 năm). Nếu để sau kết hôn thì sẽ bận x2, có con 1 đứa sẽ bận x4, có 2 đứa sẽ bận x10, chưa kể còn khi con lớn đi học tối ở nhà dạy học thì ôi thôi. Ngày xưa mình cũng đã plan rất kỹ học 2 năm xong tốt nghiệp rồi mới có đứa thứ 2, trộm vía thì cũng như kế hoạch. Ngày nhận bằng tốt nghiệp, vừa lúc vợ mang bầu lên chụp hình, chứ như bây giờ mà có 2 đứa rồi chắc k thể học nổi

Cân đối với công việc

Mục tiêu học MBA thường để hỗ trợ công việc. Vậy nên, không thể để việc học ảnh hưởng hiệu suất làm việc. Tuy nhiên điều này rất khó, đi làm cả ngày đã mệt rồi, tối còn chạy đi học, khuya nhiều khi còn phải làm assignment, đặc biệt là giai đoạn làm thesis, hiếm đêm nào là ngủ đủ

Mình khuyên bạn nên chia sẻ với sếp và công ty về việc học, giải thích lý do và lợi ích cho công việc. Ngày xưa sếp Hoàng của mình rất hỗ trợ, cho về sớm lúc 17h để đi học, tất nhiên miễn sao công việc vẫn được đảm bảo.

Chọn chương trình phù hợp

Từ danh sách rút gọn ở trên, thì tiếp theo sẽ làm làm sao để mình lựa chọn được chương trình phù hợp. Mình cũng chia sẻ 1 số cách mà mình đã làm:

  • Chất lượng đào tạo: có thể nhìn nhanh qua các certificate các tổ chức uy tín cấp cho (VD AACSB, ACBSP …), sau đó vô trang chủ các cerf đó để xem tiêu chuẩn cấp có khắt khe hay không, số lượng cấp, có trường nào nổi tiếng cũng nằm trong danh sách được cấp hay không. Ngoài ra mình cũng có hỏi thăm thêm bên trường hoặc các anh chị cựu học viên về tỉ lệ ra trường như thế nào, tỉ lệ qua môn học, bằng cấp có được chứng nhận quốc tế, BGD công nhận hay không.
  • Danh sách môn học: Xem brochure chương trình.
  • Cộng đồng alumni: Mình cũng có thể vào các cộng động alumni xem như thế nào, có hoạt động sôi nổi hay không, hoặc vào trang chủ xem chương trình listing 1 số outstanding alumni của chương trình. Mình cũng chủ động search trên linkedin hoặc nhờ connect tới các anh chị mà cùng ngành, hoặc cùng role trong công ty giống mình, để hỏi thăm về góc nhìn thực tế, ngày xưa mình nhớ có tìm được 1 anh làm Product Manager ở AXON, ảnh cũng share khá nhiều góc nhìn của anh về chương trình apply vào công việc như thế nào.
  • Học thử các short courses: 1 số chương trình để tuyển sinh thì họ tổ chức để học các buổi ngắn, mình có thể đi học trải nghiệm thực tế chất lượng của các thầy dạy luôn, xem thêm cách họ tổ chức, các người interest tham gia cùng như thế nào
  • Cuối cùng là so sánh vì học phí, địa điểm học, thời gian học, yêu cầu đầu vào và đầu ra của chương trình (IELTS, điểm …), để chọn chương trình phù hợp nhất.

GÓC NHÌN THỰC TẾ SAU KHI HOÀN THÀNH MBA

Sau khi mình học xong, ngồi reflect lại, thì mình thấy những thứ mình nhận được cũng khá khác so với những kỳ vọng ban đầu mà mình list ra trước khi đi học. Cá nhân mình thì thấy có 4 giá trị lớn nhất:

Góc nhìn đa dạng từ các anh chị managers ở nhiều lĩnh vực khác nhau

Mình học được cách nhìn vấn đề từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhiều khi 1 số vấn đề xưa giờ ở lĩnh vực IT của mình thì khá đơn giản và dễ áp dụng, nhưng lại là 1 rào cản rất lớn ở các lĩnh vực khác.

VD: trong IT khi release 1 tính năng, sản phẩm mới thì việc tracking lại khá là dễ dàng, ngay cả việc đánh giá hiệu quả nó đem lại 1 cách khách quan cũng đơn giản thông qua các A/B testing, tuy nhiên ở lĩnh vực retail, bán lẻ thì việc track từng món hàng tới tay customer là 1 việc cực kì khó khăn, chứ chưa nói tới việc đánh giá hiệu quả các mặt hàng thử nghiệm. Hay lĩnh vực bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào chu kì kinh tế thị trường, khi suy thoái thì sẽ tập trung vào các phân khúc bình dân, chuẩn bị giấy tờ pháp lý, thu hồi nợ … còn khi kinh tế phát triển thì tung ra các phân khúc cao cấp …

Có những practice thú vị từ tập đoàn lớn: nếu trưởng phòng cắt giảm chi phí (trả văn phòng, giảm operation cost …) thì 50% số tiền đó sẽ được đưa vào cho budget của phòng ban, tạo động lực vừa optimize vừa tối ưu hiệu quả rất lớn. Hoặc team compliance ở các tập đoàn lớn, công ty Nhật cực kì có quyền lực, hoạt động độc lập, có thể cho bay màu cả level cấp cao trong ngày nếu vi phạm …

Mạng lưới quan hệ

Mình xây dựng được nhiều mối quan hệ giá trị. Mọi người không chỉ chia sẻ với nhau kinh nghiệm, kiến thức làm việc, kỹ năng lãnh đạo, mà còn là kỹ năng sống, kỹ năng mềm, hay các câu chuyện bên lề. VD như quan hệ khách hàng ra sao, vận hành công ty startup như thế nào, gọi vốn dễ không, rồi con cái chăm nuôi sao, deal với sếp như thế nào … Ngoài ra mình cũng thấy có nhiều cơ hội để làm việc, hợp tác chung sau này. Ví dụ 1 anh purchasing liên hệ anh sale managers để mua hàng cho công ty chẳng hạn, hoặc cùng nhau lập startup làm riêng, lớp mình còn có case cùng nhau hợp lực góp gạo thổi cơm chung nữa :D

Tự tin hơn

Nhờ đi học, tiếp cận được nhiều case study, practice bên ngoài mà mình validate được những practice của mình về leadership, về management, về giải quyết vấn đề, công việc là có cơ sở kiến thức, cũng như cũng được áp dụng ngoài kia tương tự. Điều này góp phần giúp mình tự tin hơn khá là nhiều. Ví dụ chương trình giúp mình hệ thống hóa lại các framework về leadership (pschylogical safety, leadership styles, transformational leadership …), hay các tools mà mình sử dụng hàng ngày để problem solving như SWOT, 5 why, IDEAL… lại được sử dụng khá phổ biến và thường xuyên, cũng như chứng minh được độ hiệu quả từ các case study thực tế.

Một số môn học hữu ích

Kinh tế vĩ mô mình đâu đó hệ thống hóa cũng như hiểu được “sơ sơ” về cách vận hành của 1 nền kinh tế, các công cụ điều tiết của nhà nước … Môn tài chính thì có 1 kỷ niệm khá là vui là bài tập mình phải đi phân tích 1 cổ phiếu đang được niêm yết trên sàn, thế là mình chọn phân tích cổ FPT, sau khi phân tích các chỉ số qua báo cáo tài chính, rồi so sánh với trung bình ngành, rồi làm đủ thứ các kiểu mình đưa ra kết luận là cổ rất giá trị, đáng để mua (cuối năm 2022). Nhưng buồn thay là mình làm xong đã đời nhưng ngoài đời thì mình không mua, chứ mà mua ngay thời điểm làm bài thì giờ đã x3 rồi 🥲 hic. Còn với Luận Văn thì mình tiếp cận được với cách làm khoa học 1 cách bài bản (hồi đại học cũng có làm thesis nhưng thiên về làm ứng dụng nhiều hơn là nghiên cứu)

So với kỳ vọng ban đầu (kiến thức nền tảng, domain knowledge áp dụng ngay), mình thấy chúng không tác động lớn bằng những giá trị bất ngờ như mối quan hệ, góc nhìn mới, và sự tự tin.

Kết luận

Quyết định học MBA là một bước đi lớn, đòi hỏi bạn cân nhắc kỹ mục tiêu cá nhân, sự chuẩn bị, và kỳ vọng. MBA có thể mang lại kiến thức, mối quan hệ, và sự tự tin, nhưng cũng yêu cầu hy sinh thời gian, công sức. Hy vọng những chia sẻ này giúp bạn đưa ra lựa chọn phù hợp với mình. Nếu còn trẻ, có cơ hội, hãy thử sức. Biết đâu, nó sẽ mở ra cánh cửa mới cho bạn!

This post is licensed under CC BY 4.0 by the author.

Trải nghiệm lái xe tự lái ở Mỹ

-

Comments powered by Disqus.